Lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công

Việc lập dự toán và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29-7-2021 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Thông tư này hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công cho các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công.

Kinh phí lập kế hoạch sửa chữa, xây dựng báo cáo kinh tế kỹ thuật, xây dựng dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, việc lập dự toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Việc lập dự toán hàng năm căn cứ hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của cấp có thẩm quyền, căn cứ trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công và chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công quy định tại Điều 3 Thông tư này.

Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công lập dự toán kinh phí thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, tổng hợp vào dự toán của cơ quan, đơn vị mình, gửi cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp chung vào dự toán của đơn vị dự toán cấp I gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Trong năm, cơ quan, đơn vị có phát sinh nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công ngoài dự toán được giao, cơ quan đơn vị tự sắp xếp trong phạm vi dự toán được giao và đảm bảo hồ sơ tài liệu theo quy định tại Thông tư này.

Trường hợp do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng làm hư hỏng tài sản công mà cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công không tự cân đối được chi phí sửa chữa từ dự toán đã được giao; căn cứ báo cáo đánh giá mức độ thiệt hại của tài sản công, các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công lập dự toán kinh phí sửa chữa, khôi phục hoạt động bình thường của tài sản công gửi cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí kinh phí sửa chữa khắc phục thiệt hại…

Ngoài hướng dẫn việc lập dự toán, Thông tư số 65/2021/TT-BTC cũng quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Theo đó, việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành.

Đồng thời, Thông tư này hướng dẫn thêm một số quy định đối với kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng. Cụ thể, đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa dưới 500 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công phê duyệt kế hoạch sửa chữa, trong đó thuyết minh đầy đủ các nội dung nêu tại điểm a khoản 2 Điều 5, Thông tư số 65/2021/TT-BTC.

Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

Kinh phí lập kế hoạch sửa chữa, xây dựng báo cáo kinh tế kỹ thuật, xây dựng dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Để quyết toán kinh phí theo đúng quy định, Thông tư số 65/2021/TT-BTC nêu rõ, các cơ quan, đơn vị tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10-10-2017 của Bộ Tài chính và Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25-12-2017 của Bộ Tài chính.

Thông tư số 65/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-9-2021. Đối với các nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân bổ kinh phí thực hiện trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, thì tiếp tục thực hiện theo các quy định pháp luật liên quan đến quản lý sử dụng nguồn kinh phí ở thời điểm phê duyệt dự toán cho đến khi quyết toán công trình.

Nguồn: tapchitaichinh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *