Vị trí kế toán nào phù hợp với một nhân viên mới?

Sinh viên kế toán mới ra trường thì việc chưa có kinh nghiệm là một điều rất thực tế. Ngoài những kiến thức bạn được học ở trường, thì liệu có đủ để nhà tuyển dụng chọn bạn? Bạn có đủ sự tự tin để quản lý hết tất cả công việc của mình hay không? Bạn có hình dung ra được tất cả công việc đặc thù của từng mảng kế toán để xem thế mạnh mình nằm ở đâu? Bài viết này sẽ tổng hợp các mảng kế toán và công việc đặc thù để bạn tham khảo.

1. Kế toán tổng hợp

Nghe đến cái tên “tổng hợp” chắc bạn cũng hình dung được phần nào công việc ở mảng này. Kế toán tổng hợp gần như phụ trách gần hết các phần của kế toán như: công nợ, tiền, thanh toán, thuế, lương,…tất tần tật những công việc liên quan đến kế toán của doanh nghiệp.
Kế toán tổng hợp là một vị trí có khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi chịu được áp lực cao. Ngoài những yêu cầu về trình độ, chuyên môn, bạn cần có kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp tốt công việc sao cho hợp lý nhất.

2. Kế toán thuế

Kế toán thuế là một vị trí rất quan trọng trong doanh nghiệp. Nhiệm vụ chính của kế toán thuế là xác định cơ sở tính thuế và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp cho nhà nước.
Công việc chính của một nhân viên kế toán thuế:

  • Lập tờ khai thuế môn bài và nộp thuế cho cơ quan thuế.
  • Hàng ngày tập hợp hóa đơn, chứng từ phát sinh để theo dõi và hạch toán.
  • Cuối tháng lập báo cáo thuế GTGT, thuế TNCN và nộp tiền thuế cho cơ quan thuế (nếu có).
  • Hàng quý làm báo cáo thuế tháng của quý đó và báo cáo quý cho thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN và báo cáo sử dụng hóa đơn.
  • Cuối năm lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế cho tháng cuối năm, báo cáo thuế TNDN quý IV và báo cáo quyết toán thuế TNCN.

3. Kế toán bán hàng

Vị trí này được khá nhiều bạn lựa chọn, là một vị trí có công việc chính của một nhân viên kế toán nói chung. Tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp của công ty mà kế toán sẽ được nhận những công việc cụ thể khác nhau.
Những công việc chung của một kế toán bán hàng bao gồm:

  • Hàng ngày thực hiện ghi chép tất cả các nghiệp vụ liên quan đến hóa đơn bán hàng.
  • Lập sổ theo dõi hàng hóa nhập kho và xuất bán.
  • Định khoản và phân loại chứng từ theo từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
  • Cập nhật đơn giá hàng xuất, nhập để báo thay đổi giá cho nhân viên bán hàng.
  • Theo dõi, ghi sổ chi tiết doanh thu. Lập tờ khai hàng hóa mua vào theo biểu mẫu kê khai thuế GTGT.
  • Định kỳ làm báo cáo hàng tháng cho doanh nghiệp.
  • Quản lý thông tin khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ cho công tác bán hàng.
  • ….

4. Kế toán nội bộ

Kế toán nội bộ còn có tên gọi khác là kế toán quản trị, tập hợp tất cả các phát sinh trong thực tế, từ những phát sinh không có hóa đơn chứng từ. Kế toán nội bộ có công việc như nhân viên kế toán bình thường, đảm bảo cho mọi hoạt động của doanh nghiệp đi đúng quỹ đạo, đồng thời thực hiện theo kế hoạch cấp trên đề ra.
Mô tả công việc của kế toán nội bộ:

  • Kiểm tra tính hợp lệ và hợp pháp của các chứng từ kế toán nội bộ và thực hiện quyền luân chuyển các giấy tờ theo đúng trình tự.
  • Hạch toán các hóa đơn, chứng từ kế toán nội bộ.
  • Lưu giữ các chứng từ nội bộ.
  • Kiểm soát và phối hợp thực hiện những công việc chuyên môn với các kế toán nội bộ khác.
  • Lập các báo cáo hàng tuần, hàng tháng, hàng quý hoặc các báo cáo đột xuất theo yêu cầu của các nhà quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, ở nhiều công ty còn có các vị trí kế toán khác như kế toán công nợ,kế toán quỹ, kế toán tài chính, kế toán pháp lý… tùy thuộc vào quy mô công ty. Với rất nhiều vị trí như vậy, khi các bạn có nhu cầu tìm việc nhất là các bạn mới ra trường nên tìm hiểu kỹ và chi tiết để xem bản thân phù hợp với vị trí nào nhất.
Bên cạnh đó, một khi đã là dân kế toán thì hầu hết đều gắn liền công việc với phần mềm kế toán, vì vậy các nhân viên kế toán mới cần bổ sung kiến thức, kinh nghiệm khi sử dụng phần mềm kế toán để có thể nâng cao tay nghề.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *